Ngày 2/7 vừa qua, sự cố sụp nhà 2 tầng tại số 56 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn tại các căn nhà ở phố cổ, phố cũ Hà Nội. Những căn nhà trên phố cổ với đặc trưng là nhiều hộ dân sinh sống trên một diện tích khá nhỏ.
Hàng loạt công trình thiếu an toàn tại phố cổ
Từ nhiều năm nay đã xảy ra không ít các vụ sập nhà, sụt nhà hoặc nguy hiểm rình rập tại các căn nhà trên phố cổ, phố cũ của Hà Nội. Điển hình như vụ sập nhà 109 Trần Hưng Đạo năm 2015 khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương. Tiếp đến là sập nhà 5 tầng tại Huỳnh Thúc Kháng năm 2015, sập nhà số 43 Cửa Bắc năm 2016…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Phát triển Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, sự cố sụp đổ nhà 56 Hàng Bông sau khi treo biển quảng cáo đã đánh động, cảnh báo đến người dân. Thông qua đây, có thể thấy nét đặc trưng của Hà Nội – một đô thị lịch sử hàng nghìn năm. Tuy nhiên thách thức đặt ra cho thành phố là bảo tồn được giá trị kiến trúc của những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm.
Mặt tiền thường được tận dụng để buôn bán, treo biển quảng cáo cũng gây áp lực không nhỏ lên kết cấu những căn nhà cũ.
Được biết, đa phần các ngôi nhà khu vực phố cổ được xây dựng từ trước năm 1954 và thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, đều có chung đặc điểm là nền móng khá thô sơ, chỉ sâu vài chục centimét và chỉ đáp ứng được cho một ngôi nhà từ 1 đến 2 tầng. Nghịch lý ở chỗ, tại thời điểm này, đất phố cổ đắt hơn vàng, nên nhiều người đã tư ý gia cố, sửa chữa thậm chí xây dựng thêm tầng để cho thuê, lắp biển quảng cáo. Điều này vô hình chung gây áp lực lên nền móng cũ, một số căn nhà trong quá trình cải tạo có hiện tượng nghiêng, gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.
Hiện các khu nhà trong phố cổ nhìn chung đang rơi vao tình trạng leo thang, cao lên dần, chèn vào nhau. Khoảng trống mất dần, các công trình cơi nới bám, tựa vào nhau và chứa đầy tiền ẩn về sự không an toàn. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, giải quyết vấn đề này là cả thách thức lớn.
KTS Đào Ngọc nghiêm chia sẻ thêm, TP Hà Nội đã có các cuộc điều tra khảo sát nhận diện các công trình kiến trúc cổ, công trình giá trị. Từ những năm 1993 đến quy hoạch năm 1995, chúng ta đã có thêm danh mục các công trình cổ. Quy chế quản lý kiến trúc khu phố cổ năm 2014 đã có phân loại danh mục. Đến năm 2017, TP Hà Nội đã phê duyệt danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trong khu phố cũ (gồm công trình phải bảo tồn nguyên trạng, công trình cần giữ phong cách và công trình có thể cải tạo).
Sau khi phân loại, chúng ta cần tuyên truyền cho người dân để người dân biết được mình đang ở trong công trình hạng nào, giá trị nào để tránh phá vỡ kiến trúc, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Đồng thời phải làm rõ các vấn đề như tuổi thọ của ngôi nhà không thể tồn tại muôn đời mà nó chỉ có thời gian nhất định. Đến một thời điểm cần thiết thì phải duy tu, tôn tạo.
Như vậy, các cơ quan quản lý, chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ người dân để bảo tồn các khu nhà có giá trị. Hà Nội hiện nay chưa xây dựng được chính sách hợp lý, cần bổ sung cơ chế phù hợp hỗ trợ người dân duy tu, cải tạo hiệu quả, không gây nguy hiểm.